Có thể nói, hệ lụy tiêu cực của sự suy giảm giá dầu suốt năm 2015, tới mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, là khó có thể tưởng tượng, ngay cả với các công ty dầu khí hùng mạnh nhất. Đặc biệt hơn, điều đó lại xảy ra trong bối cảnh thách thức vô cùng lớn từ những biến động xấu về kinh tế tài chính thế giới. Hơn nữa, giá dầu thô sẽ còn rất khó lường với tình hình các quốc gia xuất khẩu dầu thô thuộc OPEC tiếp tục duy trì sản lượng cao, khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, khi Iran dự kiến gia tăng nguồn cung rất lớn ra thế giới sau cấm vận.
Dù Việt Nam xuất khẩu lượng dầu thô không lớn nhưng thu ngân sách từ dầu thô lại chiếm tỷ trọng không nhỏ. Tác động của giá dầu thấp ảnh hưởng khá nặng nề, tạo ra áp lực đối với thu ngân sách trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu xăng dầu nhiên liệu, việc giá xăng dầu hạ giúp giảm chi phí đầu vào đã tác động tích cực tới tăng trưởng và so với chỗ mất giá dầu thô thì nếu tính toán số học đơn thuần, chênh lệch về tiền cũng không lớn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các doanh nghiệp thành viên là những đơn vị chịu thiệt hại lớn nhất trong vòng xoáy sâu này của giá dầu. Mỗi thùng dầu mất giá 1USD thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 5.400 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước giảm 1.500 tỉ đồng. Tuy vậy, nhờ việc đưa vào khai thác các mỏ dầu khí ở nước ngoài tại Nga, Peru, Algeria nên đã đưa về ngoại tệ khoảng 1,4 tỉ USD, do đó cũng phần nào khắc phục được phần hụt thu lớn từ giá dầu giảm và phần nào đảm bảo được mục tiêu doanh thu trong năm 2015.
Hiện nay, giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ trong nước vào khoảng 27USD/thùng. Nếu giá dầu rơi xuống quanh con số này, nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra. Liệu chúng ta ứng xử thế nào? Đóng mỏ để giữ tài nguyên hay tiếp tục khai thác? Lấy lượng bù giá, chấp nhận lỗ để có nguồn thu hay khai thác cầm chừng chờ giá lên?
Tất nhiên, dù là phương án nào thì chúng ta vẫn phải chi phí bảo dưỡng mỏ, vẫn phải duy trì công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng cho những tính toán lâu dài. Nếu không, khi giá dầu phục hồi, Việt Nam có thể suy yếu về năng lực thăm dò, khai thác trong khi ngành Dầu khí vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Được biết, năm 2015 tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt được 957 nghìn tỉ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm và vì vậy vẫn giữ vững cán cân tài chính quốc gia, điều hành thu chi ngân sách Nhà nước đã không hề bị động với việc giá dầu giảm sâu. Ngân sách trung ương hụt khoảng 31,3 nghìn tỉ đồng, trong khi ngân sách địa phương tăng khoảng 47,7 nghìn tỉ đồng. Bộ Tài chính sẽ phải tiếp tục tính toán các phương án nhằm bù đắp khoản hụt thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô với nhiều kịch bản trong năm 2016.
Để ứng phó với diễn biến của giá dầu trong năm 2016 và thời gian tới Petrovietnam đã đưa ra nhiều phương án, thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước và bảo toàn vốn của Tập đoàn. Petrovietnam đang rà soát lại tổng thể chi phí khai thác từng mỏ, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và chi phí quản lý phân bổ. Củng cố và tăng cường công tác dự báo thị trường để luôn chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành trong từng thời điểm. Tập trung rà soát, tiết giảm thêm các loại chi phí từ 10-20% ở Tập đoàn và tất cả các đơn vị thành viên trong Petrovietnam.
Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường công tác quản trị rủi ro. Điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Cân đối nguồn vốn, dòng tiền cho nhu cầu đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh; phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn, đầu tư theo trọng điểm; tập trung vốn cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn; chủ động dừng hoặc giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cấp bách, hiệu quả kinh tế - xã hội không cao.
Giá dầu càng giảm sâu và kéo dài thì tác động của nó tới các công ty năng lượng và những nước đang trỗi dậy (lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô) cũng như nền kinh tế thế giới là rất lớn. Dầu mỏ là tài nguyên không tái tạo, là nhiên liệu tối cần thiết cho mỗi quốc gia, do vậy dù giá có đi xuống, chắc chắn một ngày nó sẽ phải đi lên theo đúng quy luật. Vấn đề là khả năng đối phó, sức chịu đựng và tâm thế chuẩn bị cho tương lai của mỗi công ty, mỗi quốc gia như thế nào mà thôi.
Nguồn: Năng lượng Mới 489