Về lịch sử, dân tộc ta tự hào có nền văn hiến. Về
diện tích, đất nước ta không nhỏ. Về dân số, Việt Nam là một nước lớn.
Về giáo dục, nước ta quyết không thể thua tất cả các nước trong khu vực.
Niềm tự hào không cho phép chúng ta tụt hậu.
Hôm trước, mình
đọc một bài báo có cái tên nẫu hết cả người: “Đại học Việt thua hết láng
giềng”. Nội dung bài báo này được lấy từ buổi tọa đàm "Định vị lại nền
giáo dục Việt Nam" tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Hà Nội), diễn
giả là TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại
học và nghề nghiệp. Theo TS. Phương, về giáo dục cơ bản, Việt Nam chỉ
vượt Philippines còn thua tất cả các nước trong khu vực như: Trung Quốc,
Singapore, Thái Lan, Indonesia... Chất lượng giáo dục mới đứng ở nhóm
cuối và bị đánh giá có vấn đề. Đối với lĩnh vực giáo dục bậc cao, giáo
dục nghề nghiệp, chúng ta còn thua tất cả các nước láng giềng. Nếu những
nhận xét này là đúng thì thật xót xa và cay đắng.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cách đây ít lâu, bác Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc
hội có một bài viết mang tựa đề “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?”.
Vâng, nước Việc Nam nhỏ hay không nhỏ? Có lẽ ít ai trong chúng ta không
có ít nhất một lần tự đặt cho mình câu hỏi này.
Bác Quốc, trong bài viết đã khẳng định rằng tổ tiên
chúng ta các triều đại đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc: Với
Nguyễn Trãi là “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương". Nhà
bác học Lê Quý Đôn khi viết về dân tộc của mình luôn nói tới niềm tự hào
"Nước Nam ta nổi tiếng là văn hiến...". Dưới thời thực dân Pháp, Nguyễn
Tri Phương, Hoàng Diệu cầm
quân rồi phải tự vẫn cho khỏi thẹn với núi sông. Phan Bội Châu, Phan
Châu Trinh, Nguyễn Thái Học... đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều thấm
cái nỗi nhục mất nước để tạo nên sức vùng dậy của cả một dân tộc giành
quyền làm chủ của mình.
Nếu xét về diện tích, Việt Nam có 336.836 km2, đứng
thứ 66/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp ngay sau các nước Phần Lan
(65), Đức (63), Nhật (62), Thái Lan (50)… Về dân số, theo số liệu
Wikipedia, Việt Nam đứng thứ 14 (Philiphin 12, Nhật 10, Nga 9, Indonesia
4, Trung Quốc 1, Ấn Độ 2…). Về mức sống, theo đánh giá của Tạp chí
Global Finance – một tạp chí uy tín của Mỹ (2009) công bố thì Việt Nam
xếp thứ 129 với mức thu nhập bình quân đầu người là 3.104 USD/năm. Các
quốc gia “hàng xóm” của Việt Nam như Singapore (xếp thứ 4 - GDP(PPP) đầu
người: 52.840) Bru-nây (5 - 48.714), Thái Lan (90 - 8.479), Indonesia
(122 - 4.380), Myanma (159 - 1.244), Lào (139 - 2.401), Cam-pu-chia (146
- 2.084)...
Như vậy có thể nói, nếu xét về lịch sử, dân tộc ta
thật đáng tự hào là một nước có truyền thống văn hiến. Nếu so về diện
tích, đất nước ta không hề nhỏ. Nếu xét về dân số, Việt Nam còn là một
nước lớn. Tuy nhiên, nếu xét về mức sống, Việt Nam ta nhỏ, rất nhỏ và
giờ đây, nếu xét về giáo dục, chúng ta lại thua tất cả các nước láng
giềng thì là một nỗi thất vọng không nhỏ bởi theo như Cựu Thủ tướng Lý
Quang Diệu thì thất bại trên lĩnh vực giáo dục là thất bại toàn diện.
Về giáo dục, nước ta quyết hông thể thua tất cả các
nước trong khu vực. Niềm tự hào dân tộc không cho phép chúng ta tụt
hậu, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám